Hang Mường Tỉnh

Hang Mường Tỉnh
Lịch Sử
Khởi Công
Hoàn Thành
Hang Mường Tỉnh là hang dạng karst trong núi đá vôi ở bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Hang xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 1256/QĐ-BVHTTDL ngày 14/04/2011

Chi Tiết Về Hang Mường Tỉnh

Hang Mường Tỉnh Chi Tiết Cấp Quốc Gia

Hang nằm ở phía đông bắc huyện lỵ Điện Biên Đông, theo đường cò bay là 16 km. Tuy nhiên từ huyện lỵ để đến hang cần đi theo đường liên xã theo hướng bắc, qua xã Na Son, đến trụ sở xã Xa Dung, dài cỡ 14 km. Sau đó đi theo hướng đông, đường thôn bản, cỡ 14 km nữa.

Hang Mường Tỉnh - căn cứ cách mạng chứa đựng giá trị lịch sử to lớn ảnh 1

Nằm dưới chân dãy núi đá vôi hùng vĩ, ẩn mình dưới đại ngàn ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, Di tích Lịch sử cấp quốc gia hang Mường Tỉnh (bản Chống, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) là nơi gắn với quá trình hình thành, phát triển Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Điện Biên (cũ), Ban Cán sự tỉnh Lai Châu (cũ) và phong trào cách mạng trên địa bàn.

Hang Mường Tỉnh còn là địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn với khí hậu trong lành, khung cảnh thiên nhiên đẹp. Tuy nhiên, do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, tiềm năng du lịch của Di tích này đang bị bỏ ngỏ.

Căn cứ cách mạng chứa đựng giá trị lịch sử to lớn

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (đêm 19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tiếp sức cho mặt trận Tây Bắc, đầu năm 1947, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia tiếp tục cử một số đơn vị bộ đội lên Tây Bắc.

Tháng 11/1947, Trung ương Đảng mở Hội nghị mở rộng để kiểm điểm tình hình mọi mặt sau một năm kháng chiến, vạch ra nhiệm vụ cách mạng của giai đoạn mới và ra nghị quyết về công tác vùng sau lưng địch; chủ trương cho hai tỉnh Sơn La-Lai Châu thành lập Ủy ban kháng chiến hành chính liên tỉnh Sơn-Lai.

Ngày 29/2/1948, Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam ra mệnh lệnh thành lập Ban xung phong Tây Bắc nhằm mở rộng một con đường tiến lên Điện Biên Phủ, mở mặt trận trong lòng địch ở Lai Châu.

Thực hiện mệnh lệnh này, Liên khu 10 đã tập trung bộ đội, cán bộ chính trị là người địa phương xây dựng thành các đại đội độc lập, đội võ trang tuyên truyền đưa vào hậu địch hoạt động, gây dựng cơ sở vùng sau lưng địch.

Trên cơ sở đó, 4 đội được thành lập, trong đó Đội xung phong Quyết Tiến (thành lập ngày 15/3/1948) gây dựng cơ sở ở khu A (vùng Nghĩa Lộ, Than Uyên, Văn Bàn... (Yên Bái), hướng phát triển lên Điện Biên Phủ.

Các đội có nhiệm vụ tiến sâu vào vùng sau lưng địch, xây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở quần chúng, phát triển chiến tranh du kích, nối liền các khu căn cứ kháng chiến vững chắc trong lòng địch, mở rộng vùng tự do của Liên khu.

Sau hơn một năm vượt núi rừng, trải qua nhiều khó khăn vất vả, tháng 5/1949, Đội xung phong Quyết Tiến vượt sông Đà tiến vào đất Tuần Giáo (Lai Châu cũ).

Tại đây, lấy xã Pú Nhung là cơ sở, Đội xung phong Quyết Tiến tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, hướng chính là phát triển lên vùng cao xa xôi, nơi có nhiều đồng bào Mông sinh sống, rồi tiến xuống vùng thấp gây dựng và phát triển cơ sở cách mạng. Đội đã hạ quyết tâm xây dựng Tuần Giáo thành một bàn đạp vững chắc để hình thành con đường phát triển sang Điện Biên Phủ (Lai Châu cũ) và Bắc Lào.

Tháng 7/1949, Đội xung phong Quyết Tiến chuyển lực lượng sang vùng cao Điện Biên để hoạt động. Xã Sa Dung (nay thuộc huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) là địa bàn đứng chân đầu tiên của Đội. Tại vùng cao này, Đội đã thành lập Ban cán bộ huyện Điện Biên và 6 Ủy ban kháng chiến hành chính liên xã với những tên mới mang ý nghĩa cách mạng, trong đó xã Sa Dung mang tên là Quang Trung. Mỗi xã có một Đội du kích từ 10-12 người với trang bị vũ khí là súng kíp.

Sau hai năm hoạt động tại Lai Châu, Đội xung phong Quyết Tiến đã gây dựng được một loạt cơ sở kéo dài từ huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) qua Tuần Giáo đến Điện Biên (Lai Châu cũ) và sang Bắc Lào. Các cơ sở mà Đội đã gây dựng được trên địa bàn có diện tích hơn 3.000km2 với khoảng 1.300 hộ dân.

Đội Du kích xã Sa Dung đã phối hợp với Bộ đội Quyết Tiến bẻ gãy ba cuộc hành quân càn quét của giặc Pháp. Lực lượng du kích xã Sa Dung đã trở thành đội du kích nổi bật nhất trong các đội du kích được thành lập ở Điện Biên...

Năm 1950, tại hang Mường Tỉnh đã diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng: Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Điện Biên (cũ) được thành lập (tháng 7/1950); Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu chuyển cơ quan về đóng tại hang Mường Tỉnh (tháng 9/1950) trong sự chở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối của đồng bào địa phương.

Trong thời kỳ này, hang Mường Tỉnh là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng, nơi cất giấu tài liệu, vũ khí, lương thực, đảm bảo việc cung cấp vũ khí cho bộ đội, du kích trong các cuộc chống càn, chiến tranh du kích cũng như tổng công kích giải phóng Điện Biên lần thứ nhất năm 1953.

Tháng 11/1950, tại căn cứ hang Mường Tỉnh, Trung đội bộ đội địa phương được thành lập. Cũng tại đây, vào tháng 2/1952, Huyện đội Điện Biên được thành lập với nòng cốt là Đội du kích xã Sa Dung, sát cánh với bộ đội chủ lực, chiến đấu kiên cường, góp phần tạo nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

Tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ

Sau 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954), hang Mường Tỉnh (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích cấp quốc gia ngày 14/4/2011) vẫn giữ nguyên trạng ban đầu bởi sự kiến tạo, bồi đắp qua hàng triệu năm.

Để đến được hang Mường Tỉnh, từ Ủy ban Nhân dân xã Sa Dung, du khách vượt hành trình khoảng 5km đường đất để tới bản Mường Tỉnh A (là một trong 19 bản của xã Sa Dung). Từ cửa ngõ của bản, theo lối rẽ lên dốc được ghép đá cấp phối đổ bêtông rộng vừa 2 người đi, dài khoảng 800m, du khách sẽ đến được khu vực hang Mường Tỉnh.

Hang Mường Tỉnh - căn cứ cách mạng chứa đựng giá trị lịch sử to lớn ảnh 2

Trước khi đến được cửa hang, du khách phải luồn vách đá, men theo con đường rậm rạp dưới những cây cổ thụ và vô số cây rừng, dây leo.

Hang Mường Tỉnh có 3 ngăn chính, khi đi qua cửa hang hẹp là xuống ngăn thứ nhất với diện tích khoảng 600m2, cao tầm 20m. Tuy vòm hang không có nhiều tạo hình phong phú nhưng không gian khá rộng, nền đất bằng, khí hậu mát dịu, thi thoảng những giọt nước trong hang rơi xuống tạo nên âm thanh ấn tượng.

Ngăn thứ hai có không gian hẹp với diện tích khoảng hơn 20m2 được nối với ngăn thứ nhất bằng một đường hầm xuyên đá tự nhiên. Tại đây, trên các bức tường là các hốc đá to nhỏ khác nhau.

Ngoài các phiến đá to, khá bằng phẳng, du khách dễ bắt gặp tảng đá, nhũ đá có hình thù những con vật. Ngăn thứ 2 còn có một đường nhỏ xuyên lên đỉnh núi. Đẹp nhất là ngăn thứ ba rộng khoảng 30m2 với sự xuất hiện nhiều thạch nhũ có màu sắc óng ánh và những rèm phủ bằng đá có hình dáng bắt mắt, tạo sự liên tưởng đối với người tham quan.

Vào bất cứ mùa nào trong năm, khi đến với hang Mường Tỉnh, du khách đều có thể tận hưởng không khí trong lành, hòa mình vào không gian văn hóa, nhịp sống sinh hoạt của cộng đồng Mông ở các bản Chống, Mường Tỉnh A...

Vào sáng sớm, đến hang Mường Tỉnh, du khách sẽ bắt gặp cảnh những dải mây trắng mờ ảo, bồng bềnh trôi trên lưng chừng núi, bảng lảng trên nương lúa, nương ngô. Dưới tán rừng của đại ngàn trước cửa hang, du khách sẽ được nghe tiếng chim hót, bắt gặp những loài hoa đặc trưng...

Theo ông Vừ A Lử, Trưởng bản Mường Tỉnh A, dù là di tích cấp quốc gia có giá trị lịch sử to lớn nhưng hằng năm, lượng khách tham quan hang Mường Tỉnh rất ít. Nguyên nhân là do hang Mường Tỉnh xa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ (khoảng gần 100km), xa trung tâm huyện (khoảng 40km), đường giao thông rất khó khăn. Thi thoảng mới có đoàn khách chủ yếu là thanh niên đi xe máy vào thăm hang theo kiểu đi “phượt” rồi rời đi trong ngày, bởi nơi đây không chỗ lưu trú...

Ông Chá Chồng Chu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết hang Mường Tỉnh là di tích lịch sử cách mạng, có ý nghĩa to lớn, trở thành chứng tích lịch sử đánh dấu tình đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Những năm qua, người dân địa phương luôn có ý thức bảo vệ, gìn giữ hang, tổ chức hoạt động ngoại khóa tại hang để giáo dục cho học sinh lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống của cha ông.

Để di tích này thu hút khách du lịch, chính quyền xã gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí đầu tư, nâng cấp đường giao thông vào di tích cũng như tạo tuyến, liên kết với các điểm di tích khác trên địa bàn, trong khu vực.

Ông Lầu Chứ Sính, Bí thư Đảng ủy xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết khó khăn lớn nhất để “đánh thức” tiềm năng du lịch của di tích này là hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu và yếu. Đường vào di tích quá khó khăn đối với các loại phương tiện, nhất là vào mùa mưa, thường xuyên xói mòn, sạt lở, trơn trượt, không có hệ thống điện chiếu sáng trong hang.

Hang Mường Tỉnh - căn cứ cách mạng chứa đựng giá trị lịch sử to lớn ảnh 3

Chính quyền địa phương mong muốn tỉnh Điện Biên, ngành du lịch tỉnh quan tâm, sớm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường, điện vào di tích.

Ngoài ra, chính quyền, ngành du lịch quan tâm tôn tạo đường lên cửa hang, làm hệ thống cầu thang, đèn chiếu sáng đặt trong hang, xây dựng nhà chờ dưới chân núi để du khách có chỗ nghỉ ngơi khi đến đây./.