Vị trí thành Sam Mứn ngày nay được xác định ở bản Pom Lót, xã Sam Mứn, ở phần cuối phía nam thung lũng Mường Thanh. Từ trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ đi theo quốc lộ 279 (đường trục thung lũng) đến Pom Lót, dài chừng 12 km. Hiện tại, dấu tích còn lại đến nay chỉ là đoạn tường thành dài 3 km tại đồi Pom Lót, khu núi cao cạnh hồ U Va. Đó là đỉnh núi Pú Chom Chảnh - nơi đặt đài quan sát để có thể bao quát được cả thung lũng Mường Thanh.
Hiện tại, dấu tích còn lại đến nay chỉ là đoạn tường thành dài 3 km tại đồi Pom Lót, khu núi cao cạnh hồ U Va. Đó là đỉnh núi Pú Chom Chảnh - nơi đặt đài quan sát của chúa Lự để có thể bao quát được cả thung lũng Mường Thanh. Thành Sam Mứn do các chúa Lự xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, được dùng làm căn cứ chống lại lãnh chúa địa phương ở phương Bắc sang xâm lấn. Thành là căn cứ thủ phủ của 19 đời chúa Lự kế tiếp nhau cha truyền con nối cai quản đất Mường Thanh. Đến khi người Thái đến định cư ở Mường Thanh, văn hóa Thái bắt đầu có ảnh hưởng tới văn hóa của người Lự. Các chúa Thái cũng dần dần nắm được quyền cai trị thay cho các chúa Lự. Tuy nhiên, thành Sam Mứn vẫn là căn cứ chính.
Trong những năm qua Bảo tàng tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc sưu tầm hiện vật trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó có sưu tầm hiện vật tại Thành Sam Mứn - huyện Điện Biên. Tại đây đã sưu tầm được một số hiện vật như: Thanh la đồng, nhẫn đồng, phù điêu bằng chì, lục lạc hợp kim. Đây là các hiện vật có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, minh chứng cho việc Thành Sam Mứn xưa kia là một trung tâm kinh tế, chính trị; có giá trị về mặt lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, khoa học và quân sự.
Lục lạc có hình cầu, giữa thân chia làm hai phần có gờ nổi, giữa cắt rạch tạo âm thanh, trên đỉnh có quai tròn, thân trang trí các đường vòng cung đôi một nối tiếp nhau, toàn thân màu xám chì. Lục lạc là hiện vật quan trọng góp phần nghiên cứu, trùng tu lại khu di tích này cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.
Thanh la đúc bằng đồng, hình tròn, có hai mặt, một mặt phẳng, một mặt tạo núm tròn nổi, có hai lỗ để buộc dây treo. Đây có thể là một nhạc khí dùng trong các ghi lễ truyền thống của người Lự.
Nhẫn bằng đồng màu nâu xám, lẫn rỉ xanh, hình tròn, hai bên vị trí gắn đá có trang trí hoa văn xoăn móc.
Phù điêu bằng chì, hình tam giác có hai mặt, một mặt trơn, một mặt trang trí hoa văn in nổi, phần đầu nhọn, phần dưới là hai lá nhĩ được trang trí đao lửa nhô ra.
Những hiện vật sưu tầm tại bản Thành Sam Mứn có ý nghĩa hết sức to lớn, là nguồn sử liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử của các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng và các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung. Chính vì vậy, những hiện vật được sưu tầm cần được lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị lịch sử./.