CẦU MƯỜNG THANH - GẠCH NỐI GIỮA CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH
Cầu Mường Thanh hầu như vẫn vẹn nguyên như khi mới khởi dựng. Cây cầu là một phần chứng tích của Chiến dịch Điện Biên Phủ, là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình.
Nằm giữa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cầu Mường Thanh thuộc di tích thành phần của Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Bắc qua sông Nậm Rốm, cầu Mường Thanh là nơi 70 năm trước quân ta tiến công, đánh thẳng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. |
Năm 1953, để phục vụ cho việc liên lạc và vận chuyển vũ khí đạn dược từ các cứ điểm phía Đông đến sở chỉ huy trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Hầm De Castries - Đờ Cát), quân Pháp đã cho xây dựng cây cầu sắt chắc chắn này. |
Sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn, bảo đảm trọng tải xe qua cầu từ 15 đến 18 tấn. |
70 năm trôi qua, cây cầu vẫn vẹn nguyên như khi mới xây dựng. Hệ thống dầm sắt, lan can chịu lực hai bên hầu như không bị gỉ mọt nhờ chất lượng thép và công tác bảo dưỡng được thực hiện tốt. |
Cầu Mường Thanh là nơi diễn ra trận chiến đấu vô cùng ác liệt giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân viễn chinh Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo đó, sau khi chiếm cứ điểm A1, bộ đội ta đã vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và bắt sống tướng Đờ Cát, chiều 7/5/1954. |
Khẩu trọng liên 4 nòng của địch bị pháo thủ của Đại đội 360 (thuộc Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) và đạn pháo của Đại đoàn Công - Pháo 315 tiêu diệt lúc 16 giờ, ngày 7/5/1954. |
Trong ảnh là một phần của bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tái hiện trận chiến đấu tại cầu Mường Thanh. |