Đồi Độc Lập

Đồi Độc Lập
Lịch Sử
Khởi Công
Hoàn Thành
Trận đồi Độc Lập là trận đánh diễn ra tại ngọn đồi cùng tên trong giai đoạn 1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là trận đánh thứ hai của chiến dịch, diễn ra từ đêm 14-3 đến rạng sáng 15-3. Sau trận đánh, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát quả đồi, đẩy lùi đợt phản kích của Pháp, qua đó gần như đánh sụp Phân khu phía Bắc của cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chi Tiết Về Đồi Độc Lập

Đồi Độc Lập Chi Tiết Cấp Quốc Gia

Phân khu Bắc của Pháp gồm hai trung tâm đề kháng là Gabrielle (đồi Độc Lập) và Anna Marie do André Trancart (Tơrăngca), viên trung tá đã phụ trách vùng "tự trị Tây Bắc" ở Lai Châu, chỉ huy. Gabrielle nằm trên một quả đồi riêng rẽ ở đầu bắc cánh đồng, dài 500 mét, rộng 200 mét, không một bóng cây, dày đặc những trận địa, đường hào, ụ súng. Cơ quan tham mưu chiến dịch của Việt Nam đặt tên cho nó là đồi Độc lập, còn người Pháp gọi nó là "tàu phóng ngư lôi".

Tồi Độc Lập (Gabrielle) – nơi diễn ra trận đánh thứ 2 trong đợt tấn công thứ nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân đội Việt Nam đã giành chiến thắng sau hơn 3 giờ chiến đấu, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho các chiến sĩ của ta, tiếp tục chiến đấu, giành thắng lợi vang dội.

Đồi Độc Lập là di tích thành phần thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đồi Độc Lập có tên gọi khác là Pú Vằng (Đồi vực). Nằm ngay dưới chân Pú Vằng là cánh đồng Tông Khao, một cánh đồng trũng. Năm xưa giặc Phẻ bắt hết trẻ em trong vùng đem giết. Trẻ còn ẵm ngửa chúng cho vào cối giã, trẻ lẫm chẫm biết đi hoặc lớn hơn thì chúng ném xuống cánh đồng trũng này rồi tháo nước vào cho chết hết. Khi cánh đồng cạn, xương trẻ con trắng xóa khắp đồng, từ đấy cánh đồng này được gọi bằng cái tên Tông Khao (tiếng địa phương có nghĩa là cánh đồng xương trắng). Tại cánh đồng Tông Khao cũng theo người dân địa phương kể lại: nơi đây còn ghi lại dấu tích về chiến công của vị thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Công Chất từ miền xuôi lên phất cờ khởi nghĩa. Thủ lĩnh được đồng bào dân tộc Thái mà tiêu biểu là tướng Ngải và tướng Khanh giúp mưu, giúp sức đánh đuổi tướng giặc Phẻ là Phạ Chẩu Tin Tòong ở thành Tam Vạn. Nghĩa quân đã truy đuổi giặc Phẻ lên đến chân đồi và tiêu diệt hết quân giặc, chém chết tướng giặc vào năm 1754.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Quân Pháp đặt tên cứ điểm này là Gabrielle - tên một cô gái đẹp nước Pháp, nhằm động viên binh lính Pháp chiến đấu bảo vệ cứ điểm như bảo vệ người đẹp. Còn Độc Lập là tên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đặt cho cứ điểm này do quả đồi đứng riêng biệt giữa một vùng bằng phẳng ở phía Bắc cánh đồng Mường Thanh.

Ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và sau đó xây dựng Điện Biên Phủ thành một Tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương. Cứ điểm Gabrielle (tên của một thiếu nữ đẹp nước Pháp), nằm trên quả đồi Mường Thanh dài 500m, rộng 200m, là một trong những trung tâm đề kháng kiên cố vào bậc nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc phân khu Bắc, cách trung tâm Mường Thanh khoảng 4km. Trung tâm đề kháng Độc Lập cùng với 2 trung tâm đề kháng Him Lam và Bản Kéo, tạo thành một khu vực phòng ngự vòng ngoài lợi hại về phía Bắc, Đông Bắc của Trung tâm Tập đoàn cứ điểm.

Bia Di tích đồi Độc Lập

Tại cứ điểm Độc Lập quân Pháp bố trí Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 7 Angieri, một trong những đơn vị thiện chiến nhất của Pháp và được bố trí thêm một đại đội Ngụy Thái do Tiểu đoàn trưởng Mecquenem chỉ huy. Trước khi đến Điện Biên, tiểu đoàn này đã được trang bị những vũ khí mới, kể cả súng có kính ngắm điện tử. Tiểu đoàn được bố trí thêm một đại đội ngụy Thái. Tổng số có khoảng 600 quân.

Quân Pháp đã cho xây dựng một trận địa phòng ngự kiên cố với hệ thống công sự phụ khá mạnh. Để tạo thuận lợi cho tổ chức thế trận phòng ngự, quân Pháp chia đồi Độc Lập thành 4 khu: Khu A (phía Tây Bắc): Bố trí một đại đội bộ binh, 4 khẩu pháo không giật 57mm, 8 khẩu cối 81mm và 45 xe vận tải. Khu B (phía Đông Bắc): bố trí một đại đội bộ binh, một khẩu 12,7mm, 1 khẩu pháo không giật 57mm, 4 khẩu pháo 105mm, 4 khẩu cối 120mm. Khu C (phía Tây Nam): bố trí 1đại đội lính ngụy Thái, 1 khẩu pháo không giật 57mm, 1 khẩu 12,7mm còn lại là DKZ và đại liên và khu D (phía Đông Nam): bố trí 2 đại đội, 4 khẩu pháo 105mm, 2 khẩu pháo không giật 57mm, 1 khẩu 12,7mm.

Ngoài ra, quân Pháp cho bố trí ở phía Bắc và phía Nam đồi Độc Lập hệ thống hàng rào thép gai dày tới 200m. Lương thực cấp cho cứ điểm cũng dồi dào đủ chống đỡ được 4 ngày. Đồi Độc Lập với địa thế lý tưởng lại được bố trí lực lượng mạnh và đặc biệt tinh nhuệ làm cho người Pháp rất yên tâm.

Trước ngày nổ súng, Chỉ huy trưởng của Tập đoàn cứ điểm De Castries đã cho mở một cuộc thi xem trung tâm đề kháng nào có tổ chức trận địa vững chắc và hoàn thiện nhất về mặt chiến thuật. Đã được Ban chấm thi đánh giá cao nhất. De Castries trao cho trung tâm đề kháng Gabrielle một khoản tiền thưởng, đủ tổ chức một buổi ăn mừng. Đây là trung tâm đề kháng duy nhất có hai tuyến phòng ngự hoàn chỉnh buộc đối phương khi tiến công phải đột phá 2 lần. Người Pháp còn gọi cứ điểm này là “tàu phóng ngư lôi”.

Về phía Quân đội Việt Nam, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập được giao cho Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 do Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà chỉ huy và Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 do Trung đoàn trưởng Lê Thùy chỉ huy. Hai đơn vị được tăng cường 4 khẩu pháo 105mm, 4 khẩu cối 120mm, 4 khẩu sơn pháo 75mm và dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ. Trung đoàn 165 đảm nhiệm mũi tiến công chủ yếu, đột phá từ hướng Đông - Nam, đánh dọc theo chiều dài của cứ điểm. Trung đoàn 88 đảm nhiệm mũi tiến công thứ yếu đột phá từ hướng Đông - Bắc, đồng thời tổ chức 1 mũi vu hồi ở hướng Tây và bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chặn viện từ Mường Thanh ra. Cùng lúc, ta sử dụng 1 phân đội bộ binh và 1 đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174 tích cực nghi binh quân Pháp tại đồi A1. Đêm 13/3/1954, trong khi Đại đoàn 312 tấn công quân Pháp ở cụm cứ điểm Him Lam thì các lực lượng tấn công quân Pháp ở đồi Độc Lập vào chiếm lĩnh trận địa, đào công sự, hào giao thông và làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Theo kế hoạch, trận đánh đồi Độc Lập sẽ bắt đầu vào hồi 16 giờ 45 phút ngày 14/3/1954.

Đúng giờ G (tức là đúng 16 giờ 45 phút ngày 14/3/1954) bộ phận nghi binh nổ súng bắn cháy ba lều vải trên đồi A1 và xung kích tiến lên mở hàng rào. Pháo 105mm của quân Pháp từ Hồng Cúm và cối 120mm ở Mường Thanh nã đạn dồn dập vào trận địa của Tiểu đoàn 225, Trung đoàn 174. Nhưng ở đồi Độc Lập do

trời mưa, sơn pháo 75mm và cối 120mm điều từ Him Lam sang chưa tới kịp trước giờ nổ súng nên cuộc tiến công chưa bắt đầu. Bộ phận nghi binh được lệnh rút ra. 18 giờ, Chỉ huy trưởng trận đánh Vương Thừa Vũ trao đổi ý kiến với Đại đoàn phó Đại đoàn 312 Đàm Quang Trung, quyết định cho lựu pháo 105mm bắt đầu bắn vào các cứ điểm của quân Pháp để phá hoại một phần công sự và uy hiếp tinh thần quân Pháp. Trong khi đó lực lượng bộ binh vẫn kiên trì chờ sơn pháo 75mm và cối 120mm tới, chuẩn bị chu đáo mới nổ súng. Đây lại là một bất ngờ nữa về chiến thuật đối với quân Pháp vì sau một đợt pháo kích mở màn diễn ra vào chiều 14/3/1954, quân Pháp đã phải mong ngóng chờ đợi mà vẫn không thấy Quân đội Việt Nam tiến công. Những loạt lựu pháo của Việt Nam bắn khá trúng đích, làm sập nhiều hầm, tiêu diệt viên Trung úy Mô rô(Moreau) chỉ huy đại đội 4. Sau mỗi đợt pháo kích của quân đội Việt Nam, Mecconem lại yêu cầu pháo binh từ Mường Thanh bắn chặn.

Các chiến sĩ sơn pháo và cối 120mm đã kiên trì, vượt mọi khó khăn thử thách để khiêng pháo nhích từng bước trong rừng dưới trời mưa tầm tã. Đến nửa đêm, chỉ còn cách trận địa 700m, bất thần một loạt bom nổ trên không chụp xuống đội hình. Một số chiến sĩ hy sinh và bị thương, hầu hết các đòn khiêng pháo đều gãy. Những người còn lại biết bộ binh đang chờ, vẫn quyết tâm đưa pháo tới đích. 2 giờ sáng ngày 15/3/1954, các khẩu đội cối 120mm và sơn pháo 75mm đã tới đầy đủ. Các chiến sĩ bộ binh vốn quen phối hợp với lực lượng pháo binh khiêng vác nên đã chủ động đào sẵn công sự cho sơn pháo và thiết bị vào trận địa ngắm bắn trực tiếp ngay sát hàng rào cứ điểm quân Pháp. Vì vậy, việc chuẩn bị chiến đấu của pháo binh đã diễn ra mau lẹ.

Đường lên Di tích đồi Độc Lập

Đúng 3 giờ 30 phút sáng ngày 15/3/1954, Chỉ huy trưởng trận đánh Vương Thừa Vũ hạ lệnh nổ súng tiến công đồi Độc Lập. Trong khi lựu pháo của Quân đội Việt Nam đang bắn vào các cứ điểm của quân Pháp, các chiến sĩ bộ binh đã nhanh chóng tiến lên lùa bộc phá xuống dưới hàng rào dây thép gai. Sau loạt pháo này pháo binh Pháp không bắn trả vì tưởng Quân đội Việt Nam chỉ bắn pháo mà chưa xung phong như những lần trước.

Trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 165 đột phá thuận lợi. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 115 tiến lên mở cửa giữa lúc pháo của ta bắn trúng bãi mìn. Những quả mìn sáng của quân Pháp làm cho cửa mở sáng rực như ban ngày. Chỉ sau 40 phút, các chiến sĩ bộc phá đã đánh được 28 quả bộc phá và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đến 3 giờ 55 phút, pháo binh được lệnh ngừng bắn vì cuộc chiến đấu diễn ra ồ ạt tiến vào tung thâm. Tiểu đội mũi nhọn do các đồng chí Trần Ngọc Doãn và Mai Văn Các chỉ huy, dẫn đầu Đại đội 501 lao vào đồn của quân Pháp. Đồng chí Trần Ngọc Doãn được 2 tù binh dẫn đường tới trận địa súng cối, nổ súng tiêu diệt toàn bộ quân Pháp, phá hủy bốn khẩu súng cối 120mm. Xung kích tiến sâu vào đồn, đánh chiếm khu thông tin, tiến thẳng vào sở chỉ huy.

Trên hướng thứ yếu, mũi đột phá của Trung đoàn 88 gặp địa hình sườn đồi dốc, phải dừng lại đánh thành bậc mà tiến, nên vào chậm. Hướng đánh bộc phá bị chệch, nên mặc dù Đại đội Tô Văn đã đánh tới 30 quả mà vẫn vẫn không mở được đột phá khẩu. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 88 chiến đấu rất anh dũng , người trước ngã, người sau tiến lên. Vào đến cửa mở, đại đội chỉ còn có sáu đồng chí. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Ty dũng cảm lên chỉnh hướng cùng chiến sĩ Nguyễn Bá Tuệ đánh tiếp hàng chục quả bộc phá nữa mới đột phá được vào trong căn cứ của Pháp. 4 giờ sáng, Mecquenem (Méccơnem) báo cáo tình hình với trung tâm Mường Thanh qua điện đài. De Casttries hứa sẽ yểm trợ pháo tối đa, kể cả pháo 155mm và sẽ có phản kích nhanh chóng bằng bộ binh và chiến xa. Mecquenem quay về sở chỉ huy nơi Thiếu tá Kah (Các) và cơ quan tham mưu đang điều khiển cuộc chống cự. Giữa lúc đó, một trái đại bác của Việt Nam rơi trúng hầm. Hai viên Tiểu đoàn trưởng Kah và Mecquenem đều bị thương rất nặng, rơi vào tay các chiến sĩ Trung đoàn 165. Chỉ ít phút sau các chiến sĩ xung kích của Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88 cũng đã kịp thời tiến vào cùng các chiến sĩ Trung đoàn 165 diệt quân Pháp. Binh lính Tiểu đoàn Angieri số 5 ngoan cố chống cự. Pháo của quân Pháp ở trung tâm Mường Thanh cũng liên tục bắn vào trong đồn hòng sát thương và chia cắt đội hình tiến công của Quân đội Việt Nam. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt. Bộ đội Việt Nam giành giật với quân Pháp từng ụ súng, căn hầm và từng đoạn chiến hào. Rất nhiều chiến sĩ của ta đã ngã xuống, để lại tuổi thanh xuân của mình nơi này. 5 giờ 30 phút, De Castries đã điều 2 tiểu đoàn bộ binh cùng 5 xe tăng từ trung tâm Mường Thanh dẫn đầu cuộc phản kích với những đơn vị dù bám theo sau tiến ra cứu viện. Khi quân Pháp tới sườn phía Nam đồi Độc Lập thì trời sáng rõ, cuộc chiến đấu trong đồn đã kết thúc. Một số binh lính Bắc Phi sống sót chạy ra, nhảy lên bám lấy tháp pháo xe tăng mong được cứu sống. Pháo binh và lực lượng diệt viện của Đại đội 213, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 chặn đánh quyết liệt, lực lượng phản kích bị đập tan. Quân Pháp hoảng hốt tháo chạy về Bản Kéo, bỏ lại 1 xe tăng bị bắn hỏng cùng hàng trăm lính chết và bị thương. Đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 15/3, Trung đoàn 165 và Trung đoàn 88 hoàn toàn chiếm lĩnh đồi Độc Lập, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn Bắc Phi tăng cường, diệt tại trận 483 tên, bắt sống gần 200 tên, thu toàn bộ vũ khí. Cả hai Tiểu đoàn trưởng Các và Méccơnem đều bị thương và bị bắt tại trận.

Trận chiến thắng trên cứ điểm Độc Lập là trận thắng lớn thứ hai sau trận thắng Him Lam, tạo tinh thần rất tốt cho các chiến sĩ Quân đội Việt Nam chiến đấu, giành thắng lợi trong những trận đánh tiếp theo. Chiến thắng trên cứ điểm Độc Lập đã mở thông đường vào phân khu trung tâm Mường Thanh, Quân đội Việt Nam đã tiêu diệt và xóa sổ những đơn vị Lê Dương tinh nhuệ của quân Pháp. Hiện nay, Di tích đồi Độc Lập là một trong 45 điểm di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Công tác trùng tu, tôn tạo dự kiến sẽ được thực hiện trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của du khách trong nước và quốc tế, trở thành điểm tham quan chính thức trong hành trình du lịch, tìm hiểu lịch sử của du khách khi đến với tỉnh Điện Biên.